In trang này

NỘI QUY CẢNG BIỂN

Thứ Hai, 18/03/2019, 08:52 GMT+7

 

NỘI QUY CÁC CẢNG BIỂN

THUỘC ĐỊA PHẬN TỈNH BÌNH ĐỊNH,  TỈNH PHÚ YÊN

 

 


Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động Hàng hải.

Căn cứ Thông tư 31/2016/TT-BGTVT ngày 31/10/2016 của Bộ giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cảng vụ hàng hải.

Căn cứ Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về công bố các vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn;

Căn cứ Quyết định số 159/QĐ-TCCB-LĐ ngày 22 tháng 12 năm 1992 của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về thành lập Cảng vụ Quy Nhơn và Công văn số 579/CHHVN-PC ngày 07  tháng 02  năm 2018 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc phê duyệt Nội quy cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên;

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nội quy này quy định cụ thể về quản lý hoạt động hàng hải, bao gồm: quản lý cảng biển và luồng hàng hải, công trình hàng hải, hoạt động của hoa tiêu hảng hải và quản lý hoạt động của tàu thuyền tại các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên (sau đây gọi tắt là “cảng biển”) trên cơ sở quy định của Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động Hàng hải. (sau đây gọi tắt là “Nghị định 58/2017/NĐ - CP ”), Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về công bố các vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn (sau đây gọi tắt là “Thông tư công bố vùng nước”).

2. Vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên  (sau đây gọi tắt là “vùng nước cảng biển”), được quy định tại Thông tư công bố vùng nước.

Thông tin, sơ đồ chi tiết nêu tại Phụ lục 1.

3. Vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, được quy định tại Quyết định của Cục Hàng hải Việt Nam.

Khu neo đậu, khu neo tránh bão cho tàu thuyền vào, rời cảng biển được quy định tại Quyết định số 649/QĐ-CHHVN ngày 28/9/2007 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc đưa vào sử dụng khu neo đậu tàu thuyền phía trong Đầm Thị Nại thuộc khu vực trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, Quyết định số 808/ QĐ-CHHVN ngày 25/8/2015 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc bổ sung Điều 1, Quyết định số 649/QĐ-CHHVN ngày 28/9/2007 của Cục Hàng hải Việt Nam về việc đưa vào sử dụng khu neo đậu tàu thuyền phía trong Đầm Thị Nại thuộc khu vực trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn và các khu neo đậu tránh bão khác được công bố theo quy định của pháp luật. Chi tiết tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nội quy này.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nội quy này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài hoạt động hàng hải tại vùng nước cảng biển.

 2. Các quy định về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại Nội quy này cũng được áp dụng đối với cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển.

Điều 3. Cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển

1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển là Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn ( sau đây gọi tắt là Cảng vụ ) , có trụ sở và Đại diện như sau:

a) Trụ sở:

- Địa chỉ: số 1 Phan Chu Trinh, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

- Điện thoại: 0256.3891809

- Fax: 0256.3893106

- E-mail: paquynhon@gmail.com.

b) Đại diện Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn tại Vũng Rô:

- Địa chỉ: Cảng Vũng Rô

- Điện thoại/FAX: 0257.3511661

- E-mail: vungroma@gmail.com.

2. Thông tin chi tiết các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển nêu tại Phụ lục 3.

 

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

THỦ TỤC TÀU THUYỀN ĐẾN VÀ RỜI CẢNG

 

Điều 4. Yêu cầu chung đối với tàu thuyền đến cảng biển

1. Tàu thuyền đến vùng nước cảng biển phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Mục 1, Chương IV của Nghị định 58/2017/NĐ – CP và các quy định liên quan khác của pháp luật.

2. Ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, tàu thuyền đến vùng nước cảng biển phải có chiều dài, trọng tải, mớn nước, độ cao tĩnh không và các thông số kỹ thuật liên quan khác phù hợp với điều kiện cho phép của luồng, cầu cảng, bến phao, khu neo đậu đã được cơ quan có thẩm quyền công bố. Các trường hợp khác do Giám đốc Cảng vụ xem xét, quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 5. Thủ tục thông báo, xác báo tàu thuyền đến và rời cảng.

1. Việc thông báo, xác báo tàu biển đến, rời cảng biển thực hiện theo quy định tại các Điều 87, 88 Nghị định số 58/2017/NĐ - CP,  Mục 3 chương IV Nghị định số 58/2017/NĐ - CP  vể thủ tục điện tử đối với tàu thuyền và Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT ngày 24/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam hoặc các quy định về khai báo điện tử.

2. Tàu biển chỉ hành trình qua vùng nước cảng biển nhưng không dừng lại phải thông báo cho Trực ban Cảng vụ theo quy định.

3. Đối với tàu thuyền được miễn hoa tiêu theo quy định, chậm nhất 01 giờ trước khi đến ranh giới vùng nước cảng biển phải xác báo tàu thuyền đến cảng theo quy định.

Điều 6. Điều động tàu thuyền trong vùng nước cảng.

1. Việc điều động tàu thuyền vào neo đậu tại các vị trí trong vùng nước cảng biển do Giám đốc Cảng vụ chỉ định theo quy định tại Điều 62, điều 65 Nghị định số 58/2017/NĐ – CP và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

2. Phương tiện thuỷ nội địa, tàu cá Việt Nam điều động vào neo đậu tại các vị trí theo chỉ định của Cảng vụ hoặc tại khu vực neo đậu an toàn trong vùng nước cảng biển được quy định dành riêng.

Điều 7. Hồ sơ, địa điểm và thời hạn thủ tục tàu thuyền vào, rời cảng

1. Thủ tục tàu biển đến và rời cảng biển thực hiện theo quy định tại các Điều 87,88,89,94,95,96,97 Nghị định số 58/2017/NĐ – CP và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

2. Việc giải quyết thủ tục cho phương tiện thủy nội địa đến và rời cảng biển thực hiện theo quy định tại các Điều 99 và 100 Nghị định số 58/2017/NĐ – CP và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

3. Giấy tờ làm thủ tục đến và rời cảng của tàu cá Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển, Quy định của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành quy chế bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và tàu cá, và các quy định liên quan khác.

4. Địa điểm làm thủ tục: Trừ trường hợp làm thủ tục tại tàu theo quy định tại Điều 77 khoản 3 Nghị định số 58/2017/NĐ – CP, việc làm thủ tục tàu đến, rời cảng biển thực hiện như sau:

a) Cảng biển Quy Nhơn: tại trụ sở Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn.

b) Cảng biển Vũng Rô: tại trụ sở Đại diện Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn tại Vũng Rô.

5. Thời hạn làm thủ tục: Chậm nhất 02 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc 04 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại các vị trí khác trong vùng nước cảng theo Kế hoạch điều động đối với trường hợp vào cảng, và Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu biển rời cảng; riêng tàu chở khách và tàu chuyên tuyến, chậm nhất ngay trước thời điểm tàu biển dự kiến rời cảng.

6. Chủ tàu, người quản lý tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu, thuyền trưởng hoặc người được uỷ quyền ( gọi chung là người làm thủ tục tàu ) được khuyến cáo thực hiện thủ tục điện tử theo quy định tại Mục 3 Chương IV Nghị định 58/2017/NĐ – CP,  Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT ngày 24/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam.

 

Mục 2 

THỦ TỤC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI KHÁC TẠI CẢNG BIỂN

Điều 8. Phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định tại Điều 8 Nghị định 58/2017/NĐ – CP.

Điều 9. Thủ tục tiến hành các hoạt động lặn hoặc các công việc ngầm dưới nước.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 62 Nghị định số Nghị định 58/2017/NĐ – CP.

Điều 10. Thủ tục tàu thuyền thi công công trình hàng hải, nạo vét luồng, khai thác cát hoặc cần cẩu nổi và các thiết bị công trình khác.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Nghị định số Nghị định 58/2017/NĐ – CP.

Điều 11. Thủ tục cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong vùng nước cảng biển.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định tại Khoản 3, Điều 110 Nghị định số Nghị định 58/2017/NĐ – CP.

Điều 12. Thủ tục sửa chữa, vệ sinh tàu thuyền.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định tại Khoản 9, Điều 113 Nghị định số 58/2017/NĐ – CP.

Điều 13. Thủ tục tháo bỏ niêm phong kẹp chì tại các van, thiết bị của tàu thuyền mà chất độc hại có thể thoát ra ngoài hoặc bơm thải các chất thải, nước bẩn qua các van hoặc thiết bị của tàu thuyền.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định tại Khoản 2, Điều 118 Nghị định số 58/2017/NĐ – CP.

Điều 14. Thủ tục đăng ký, tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển.

Điều 15. Thủ tục chạy thử tàu và neo chờ.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định tại Điều 98 ( đối với việc chạy thử ), và Điều 66 ( đối với trường hợp neo chờ trên 30 ngày ) của Nghị định 58/2017/NĐ – CP.

Điều 16. Thủ tục trình kháng nghị hàng hải

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định của Bộ Giao thông vận tải quy định về trình tự, thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.

Điều 17. Thủ tục thẩm định - phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển.

 Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định của Bộ Giao thông vận tải áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển.

Điều 18. Thủ tục phê duyệt phương án thăm dò, phương án trục vớt tài sản chìm đắm.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định của Chính phủ Quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Điều 19. Thủ tục phê duyệt Phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng của phương tiện thủy nội địa.

Trình tự, thời hạn và thủ tục theo quy định của Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa, và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 20. Địa điểm làm thủ tục đối với các hoạt động hàng hải khác tại cảng biển.

- Đại diện Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tại Vũng Rô: thực hiện thủ tục sửa chữa, vệ sinh tàu thuyền; trình kháng nghị hàng hải; tiến hành các hoạt động lặn hoặc các công việc ngầm dưới nước; tháo bỏ niêm phong kẹp chì tại các van, thiết bị của tàu thuyền mà chất độc hại có thể thoát ra ngoài hoặc bơm thải các chất thải, nước bẩn qua các van hoặc thiết bị của tàu thuyền hoạt động hàng hải tại vùng nước cảng Vũng Rô.

- Trụ sở Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn: thực hiện tất cả các thủ tục theo quy định.

 

Mục 3

THÔNG TIN LIÊN LẠC TẠI CẢNG BIỂN

Điều 21. Sử dụng phương tiện thông tin liên lạc

1. Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài có thể thực hiện việc liên lạc với Cảng vụ qua địa chỉ, điện thoại, FAX, E-mail quy định tại Điều 3 của Nội quy này.

2. Việc sử dụng VHF thực hiện theo quy định dưới đây:

- Kênh trực canh: 16

- Kênh làm việc: 12 hoặc các kênh được chỉ định khác.

3. Tàu biển Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài khi đến, lưu lại và rời cảng biển phải duy trì liên lạc với Cảng vụ trên các kênh VHF được chỉ định; trường hợp không được chỉ định, phải duy trì sự liên lạc trên kênh trực canh - kênh 16.

4. Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được làm ảnh hưởng tới hoạt động của Cảng vụ trên kênh 16.

5. Tên, hô hiệu (nếu có) của tàu thuyền hoặc của đơn vị, cá nhân chỉ được nêu không quá ba lần trong một lần gọi hoặc trả lời. Trên kênh gọi, việc gọi và trả lời phải được tiến hành nhanh chóng và chuyển sang kênh làm việc ngay sau khi đã liên lạc được với nhau.

6. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân, tàu thuyền thực hiện các cuộc gọi bình thường trên kênh 16 trong thời gian có tín hiệu cấp cứu hoặc thông tin khẩn cấp phát trên kênh này.

7. Tàu thuyền có thể liên lạc với Cảng vụ qua các đài thông tin duyên hải.

8. Ngôn ngữ sử dụng khi liên lạc VHF là tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

 

Điều 22. Xác báo thông tin về điều động tàu thuyền

           Tàu biển Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài khi điều động phải xác báo cho trực ban Cảng vụ.

 

Mục 4

HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU THUYỀN TẠI CẢNG BIỂN

Điều 23. Lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ

1. Lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ được thể hiện dưới các hình thức sau:

- Kế hoạch điều động tàu (đối với tổ chức hoa tiêu và doanh nghiệp cảng);

- Lệnh điều động (đối với tàu thuyền);

- Giấy phép rời cảng (đối với tàu thuyền).

- Lệnh điều động trực tiếp qua VHF, điện thoại trong trường hợp khẩn cấp.

- Lệnh điều động điện tử thông qua cổng thông tin điện tử.

2. Sau khi nhận được lệnh điều động, nếu không thể thực hiện ngay, thuyền trưởng hoặc tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Cảng vụ bằng văn bản (fax hoặc gửi trực tiếp) hoặc điện thoại,  VHF để xử lý.

Điều 24. Hành trình của tàu thuyền trong vùng nước cảng biển

1. Tàu thuyền khi hành trình trong vùng nước cảng biển phải chấp hành quy định của Bộ Giao thông vận tải quy định việc áp dụng Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

2. Ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, tàu thuyền khi hành trình trong vùng nước cảng biển phải tuân thủ các quy định dưới đây:

a) Chấp hành chính xác, kịp thời lệnh điều động của Giám đốc Cảng vụ; trường hợp không thể thực hiện ngay thì phải thông báo Giám đốc Cảng vụ để xử lý;

b) Khi hành trình trên luồng, tàu thuyền phải duy trì tốc độ phù hợp nhằm bảo đảm an toàn, đặc biệt lưu ý khi đi qua các khu vực: luồng hẹp, đang có hoạt động ngầm dưới nước, thi công công trình, nạo vét luồng, thả phao tiêu, trục vớt, cứu hộ, xếp dỡ hàng hoá, neo đậu và điều động của tàu thuyền;

c) Không được tự ý neo đậu hoặc dừng lại trên luồng, trừ trường hợp tàu thuyền bị tai nạn, sự cố. Trong trường hợp này, thuyền trưởng phải áp dụng mọi biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm an toàn của tàu mình và các tàu thuyền khác, đồng thời nhanh chóng áp dụng biện pháp phù hợp để đưa tàu thuyền đến vị trí neo đậu an toàn.

d) Các tàu có chiều dài tối đa từ 30m trở lên không được phép vượt nhau khi hành hải trên luồng hàng hải Quy Nhơn.

3. Tàu thuyền khi hành trình cùng chiều phải đi theo hàng một và luôn giữ khoảng cách an toàn đối với tàu thuyền khác.

4. Tuân theo chỉ dẫn của báo hiệu hàng hải và giữ liên lạc với Trực ban Cảng vụ để được hỗ trợ, cung cấp thông tin bảo đảm an toàn hàng hải.

5. Thời gian hành trình ban đêm tính từ 18 giờ 00 đến 05 giờ 00 sáng của ngày kế tiếp.

Điều 25. Cập mạn tàu thuyền

1. Việc cập mạn tàu thuyền thực hiện theo quy định tại Điều 68 Nghị định 58/2017/NĐ – CP và theo các nguyên tắc cụ thể quy định tại điều này.

2. Tàu thuyền chỉ được phép cập mạn trong điều kiện sóng gió từ cấp 4 trở xuống.

3. Tàu biển cập mạn nhau phải có sự thỏa thuận của 2 thuyền trưởng áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn khi cập mạn.

 4. Tàu thuyền chở chất nổ, xăng dầu khí hóa lỏng, chất độc hại không được phép cập mạn trừ trường hợp cần thiết do Giám đốc Cảng vụ quyết định.

 

Điều 26. Hoạt động của phương tiện thủy nội địa chiều dài dưới 10 mét và các phương tiện chở khách

1. Phương tiện thủy nội địa có chiều dài dưới 10 mét (kể cả các phương tiện thủy chèo tay) chỉ được phép hành trình trong vùng nước bên ngoài luồng tàu biển và không được làm ảnh hưởng đến hành trình của tàu thuyền chỉ có thể hành trình an toàn trong giới hạn của luồng. Trường hợp cần thiết cắt ngang luồng khi điều kiện thực tế cho phép, các phương tiện này phải hành trình theo đường ngắn nhất, với tốc độ an toàn cao nhất và bảo đảm không cản trở hoặc gây nguy cơ đâm va với tàu thuyền khác.

2. Các phương tiện chở khách cắt ngang luồng phải hành trình theo đúng tuyến quy định và trong mọi trường hợp phải nhường đường cho tàu hành trình trong luồng.

3. Trước khi khởi hành, các phương tiện chở khách phải hướng dẫn, cung cấp cho hành khách biết thông tin về nội quy đi tàu; vị trí và cách sử dụng các trang thiết bị cứu sinh; lối đi và biện pháp thoát hiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố hàng hải.

4. Hàng năm, phương tiện chở khách phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực tập, huấn luyện thuyền bộ và nhân viên phục vụ làm việc trên tàu kiến thức, kỹ năng về công tác cứu sinh, cứu hỏa, sơ cứu, quản lý đám đông… nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Điều 27. Đảm bảo an toàn khi tàu thuyền neo đậu.

1. Khi cần thay đổi vị trí neo đã được chỉ định, thuyền trưởng phải thông báo ngay cho Trực ban Cảng vụ biết rõ lý do và chỉ khi có sự chấp thuận mới được tiến hành điều động tàu đến vị trí neo mới theo chỉ định, trừ trường hợp để tránh một nguy cơ đâm va trước mắt.

2. Cấm thả neo trong phạm vi luồng, vùng quay trở tàu (trừ trường hợp thả neo để quay trở), gần các báo hiệu hàng hải hay tại các khu vực hạn chế khác, trừ trường hợp bất khả kháng hay để tránh một nguy cơ đâm va trước mắt. Trong trường hợp này, không miễn trừ trách nhiệm của thuyền trưởng nếu làm phát sinh thiệt hại về người, tài sản, môi trường do việc thả neo gây ra.

3. Tàu thuyền neo chờ phi sản xuất từ 30 ngày trở lên phải thực hiện theo phương án neo chờ đã được Cảng vụ phê duyệt theo quy định tại Điều 66 Nghị định 58/2017/NĐ – CP.

Điều 28. Bảo đảm an toàn khi tàu thuyền quay trở

1. Tàu thuyền không được phép vượt qua hay đi vào vùng quay trở khi có tàu thuyền khác đang quay trở, nếu hành động đó làm ảnh hưởng tới quá trình quay trở.

2. Tàu thuyền đang tiến hành quay trở phải tăng cường cảnh giới và sử dụng các phương tiện thích hợp để cảnh báo cho các tàu thuyền khác đang đến gần biết về tình trạng hiện tại cũng như dự kiến điều động của tàu mình ngay từ khi những tàu thuyền đó ở khoảng cách an toàn.

3. Trường hợp điều kiện thực tế cho phép, tàu thuyền có thể điều động quay trở tại chỗ để rời, cập cầu hoặc rời, cập mạn tàu khác nếu bảo đảm an toàn và không ảnh hưởng tới hành trình, neo đậu của tàu thuyền khác.

Điều 29. Hoạt động nạo vét, thi công công trình

1. Phương tiện tham gia nạo vét, thi công các công trình hàng hải và các công trình khác trong vùng nước cảng biển phải thực hiện theo quy định tại Điều 62 khoản 3 Nghị định 58/2017/NĐ – CP.

2. Trước khi tiến hành hoạt động nạo vét vùng nước trước cầu cảng, doanh nghiệp cảng phải lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong quá trình thi công, có Thông báo hàng hải theo quy định và chỉ được phép tiến hành hoạt động nạo vét khi được sự chấp thuận của Giám đốc Cảng vụ.

 

Mục 5

HOA TIÊU HÀNG HẢI

Điều 30. Yêu cầu đối với dịch vụ hoa tiêu hàng hải

 Dịch vụ hoa tiêu hàng hải trong vùng nước cảng biển phải thực hiện theo quy định tại Chương XI Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Chương IV Mục 6 Nghị định 58/2017/NĐ - CP  và các quy định có liên quan khác của pháp luật, và các yêu cầu sau đây:

1. Chậm nhất 16.00 giờ hàng ngày, tổ chức hoa tiêu phải thông báo bằng văn bản cho Cảng vụ biết kế hoạch dẫn tàu của ngày kế tiếp. Nội dung kế hoạch gồm: tên tàu, cầu cảng tàu đến, rời, thời gian hoa tiêu lên tàu, tên và hạng của hoa tiêu dẫn tàu.

2. Chậm nhất 08.30 giờ hàng ngày, tổ chức hoa tiêu hàng hải phải xác báo bằng văn bản về kế hoạch dẫn tàu quy định tại khoản 1 Điều này nếu có thay đổi.

 3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trường hợp có yêu cầu cung cấp hoa tiêu đột xuất hoặc có thay đổi so với kế hoạch thì tổ chức hoa tiêu phải xác báo kịp thời cho Cảng vụ biết.

4. Thực hiện trách nhiệm kê khai, niêm yết giá dịch vụ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải và dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo tãi cảng biển Việt Nam.

Điều 31. Yêu cầu khi đón, trả hoa tiêu

Tàu thuyền khi đến gần tàu hoa tiêu để đón hoặc trả hoa tiêu phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất đủ để ăn lái, giữ liên lạc với hoa tiêu trên kênh VHF được chỉ định và bố trí thang hoa tiêu theo quy định ở mạn dưới gió hoặc theo yêu cầu của hoa tiêu để hoa tiêu lên, rời tàu an toàn. Cầu thang hoa tiêu phải được chiếu sáng vào ban đêm, bố trí các thiết bị cứu sinh theo quy định.

Điều 32. Trách nhiệm của hoa tiêu dẫn tàu

1. Hoa tiêu dẫn tàu có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Điều 104, 105 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

2. Ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, hoa tiêu khi dẫn tàu có trách nhiệm thông báo kịp thời bằng VHF cho Trực ban Cảng vụ biết những nội dung sau:

a) Thời điểm lên tàu, thời điểm bắt đầu và kết thúc thực hiện việc dẫn tàu ngay sau khi lên tàu và ngay trước khi chuẩn bị rời tàu.

b) Tình hình dẫn tàu, những thay đổi có tính chất nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng biển và những tai nạn, sự cố hàng hải xảy ra với tàu do mình dẫn hoặc phát hiện được trong quá trình dẫn tàu.

3. Trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra liên quan đến tàu thuyền do mình dẫn thì chậm nhất là ngay khi rời tàu, hoa tiêu phải báo cáo bằng văn bản cho Cảng vụ. Nội dung báo cáo phải nêu rõ: tên hoa tiêu dẫn tàu, diễn biến tai nạn hàng hải, các biện pháp khắc phục hậu quả đã tiến hành, kết quả thực hiện các biện pháp đó và kiến nghị (nếu có).

Điều 33. Nghĩa vụ của thuyền trưởng khi tự dẫn tàu

Trong trường hợp được phép tự dẫn tàu theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 247 Bộ luật hàng hải Việt Nam, chậm nhất 02 giờ trước khi điều động, thuyền trưởng phải thông báo cho Cảng vụ về việc tự dẫn tàu và xuất trình Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải, Giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải khi được yêu cầu.

Điều 34. Trách nhiệm phối hợp giữa hoa tiêu, thuyền trưởng và doanh nghiệp cảng

Trước khi điều động dẫn tàu vào, rời cầu cảng, thuyền trưởng hoặc hoa tiêu phải liên lạc với thuyền trưởng tàu lai, doanh nghiệp cảng để kiểm tra tính sẵn sàng của tàu lai, cầu cảng. Trong trường hợp tàu lai, cầu cảng chưa sẵn sàng, thuyền trưởng hoặc hoa tiêu dẫn tàu phải thông báo ngay cho Cảng vụ để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Mục 6

LAI DẮT HỖ TRỢ TẠI CẢNG BIỂN

Điều 35. Sử dụng tàu lai.

1. Trong điều kiện hành hải bình thường, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài có chiều dài lớn nhất (LOA) từ 80 mét trở lên khi điều động cập, rời cầu cảng, bến phao hoặc quay trở, di chuyển vị trí neo đậu trong phạm vi vùng nước trước cầu cảng, bến phao phải sử dụng tàu lai hỗ trợ theo quy định sau:

a) Tàu biển có chiều dài lớn nhất từ 80m đến dưới 90m: ít nhất một tàu lai có công suất tối thiểu là 700 HP.

b) Tàu biển có chiều dài lớn nhất từ  90 m đến dưới 135m: ít nhất hai tàu lai có công suất tối thiểu 800 HP mỗi tàu.

c) Tàu biển có chiều dài lớn nhất từ 135m đến dưới 175m: ít nhất ba tàu lai trong đó hai tàu lai công suất tối thiểu 800 HP mỗi tàu, một tàu lai có công suất tối thiểu 1500 HP.

d) Tàu biển có chiều dài lớn nhất từ 175m đến dưới 200m: ít nhất bốn tàu lai, trong đó ba tàu lai công suất tối thiểu 800 HP mỗi tàu và một tàu có công suất tối thiểu 3000 HP.

2. Tàu thuyền di chuyển dọc cầu cảng bằng tời kéo dây của tàu không phải sử dụng tàu lai dắt. Trường hợp xét thấy cần thiết, các tàu thuyền này và tàu thuyền có chiều dài lớn nhất dưới 80m cũng có thể yêu cầu tàu lai hỗ trợ.

3. Căn cứ điều kiện thực tế Giám đốc Cảng vụ quyết định số lượng và công suất tàu lai trong các trường hợp sau: Tàu chở chất nổ, xăng dầu, khí hoá lỏng, hoá chất độc hại; tàu khách; tàu thuyền có chiều dài , tổng trọng tải vượt quá giới hạn cho phép cầu cảng, bến phao đã được công bố; các trường hợp cần thiết khác nhằm bảo đảm an toàn.

Điều 36. Miễn giảm tàu lai

          Đối với tàu thuyền có thiết bị hỗ trợ điều động, Giám đốc Cảng vụ sẽ xem xét miễn hoặc giảm số lượng tàu lai hỗ trợ trên cơ sở tính năng của thiết bị hỗ trợ và các điều kiện thực tế khác.

Điều 37. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lai dắt.

         Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển tại cảng biển phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển và các yêu cầu sau:

          1. Định kỳ 6 tháng (trước ngày 5 tháng kế tiếp) báo cáo Cảng vụ tình hình hoạt động của các tàu lai hoạt động trong vùng nước cảng biển Quy Nhơn, cảng biển Vũng Rô thuộc doanh nghiệp.

          2. Chậm nhất 16 giờ 30 hàng ngày, thông báo về kế hoạch lai hỗ trợ của ngày kế tiếp cho Cảng vụ (nội dung thông báo gồm: tên tàu lai; công suất; tên tàu được lai; thời gian dự kiến lai dắt hỗ trợ). Trường hợp có thay đổi, phải kịp thời thông báo bổ sung chậm nhất 02 giờ sau khi nhận được yêu cầu cung cấp hoặc hủy bỏ dịch vụ.

           3. Việc cung cấp dịch vụ tàu lai hỗ trợ tàu rời/cập cầu cảng hoặc quay trở, di chuyển vị trí trong phạm vi vùng nước trước bến cảng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định tại Nội quy cảng biển về công suất, số lượng tàu lai.

          Thuyền trưởng hoặc hoa tiêu tàu được lai dắt có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải về việc cung cấp tàu lai chậm trễ, không đủ số lượng hoặc công suất theo quy định.

         4. Thực hiện trách nhiệm kê khai, niêm yết giá dịch vụ theo quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh lai dắt tàu biển, kinh doanh đại lý tàu biển tại Việt Nam.

 

Mục 7

BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI, AN NINH HÀNG HẢI VÀ

TRẬT TỰ, VỆ SINH TẠI CẢNG BIỂN

Điều 38. Bảo đảm an toàn hàng hải

Tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định tại Điều 106,108,111,112,115 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và các quy định có liên quan khác của pháp luật, và các yêu cầu sau đây:

1. Việc neo đậu, cập cầu, cập mạn của tàu thuyền trong vùng nước cảng biển phải bảo đảm an toàn theo quy định.

2. Trong thời gian hành trình, điều động cập, rời cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, tàu thuyền phải sử dụng máy tàu phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến các công trình và tàu thuyền khác.

3. Tàu thuyền điều động trong vùng nước cảng biển để chạy thử, khử độ lệch la bàn hoặc hiệu chỉnh các thiết bị hàng hải phải thực hiện thủ tục theo quy định tại tại Điều 98 Nghị định 58/2017/NĐ – CP và chỉ được tiến hành khi đã được Cảng vụ chấp thuận theo quy định.

Điều 39. Hoạt động thuỷ sản trong vùng nước cảng biển

1. Tổ chức, cá nhân chỉ được đóng đăng, đáy hoặc các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cố định khác trong vùng nước cảng biển khi được Cảng vụ và cơ quan có thẩm quyền của địa phương chấp thuận.

2. Cấm sử dụng các loại đăng, đáy di động, lưới rê, lưới vét hoặc các phương tiện khác để đánh bắt thủy sản, nếu việc đó làm cản trở hoạt động của tàu thuyền.

3. Khi không sử dụng đăng, đáy hoặc các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cố định khác thì chủ đăng, đáy phải tự dỡ bỏ, nhổ hết các cọc đã cắm và thanh thải các chướng ngại vật khác do hoạt động đăng, đáy hoặc các phương tiện đánh bắt thủy sản cố định khác tạo ra.

Điều 40. Hoạt động hun chuột, khử trùng

Tàu thuyền chỉ được phép tiến hành hun chuột, khử trùng trong khu vực kiểm dịch hoặc tại các vị trí do Cảng vụ chỉ định.

Điều 41. Hoạt động diễn tập quân sự, thể thao, giải trí

1. Việc tổ chức các hoạt động diễn tập quân sự, thể thao, giải trí và các hoạt động tương tự khác trong vùng nước cảng biển không được làm ngưng trệ hoạt động hàng hải tại khu vực.

2. Chậm nhất 15 ngày trước khi dự định tổ chức các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này, đơn vị tổ chức phải gửi văn bản đề nghị kèm theo phương án bảo đảm an toàn giao thông cho Cảng vụ và chỉ được tiến hành sau khi đã được chấp thuận.

Điều 42. Đổ rác, xả nước thải và nước dằn tàu

1. Tàu thuyền, doanh nghiệp liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định về đổ rác, xả nước thải và nước dằn tàu tại cảng biển theo quy định tại Điều 117 của Nghị định 58/2017/NĐ - CP, Quy định của Bộ Giao thông vận tải về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển và các quy định khác của pháp luật có liên quan, và các yêu cầu sau đây:

a) Rác thải sinh hoạt phải được phân loại theo quy định và đựng trong các vật chứa phù hợp để đơn vị thu gom rác tiến hành thu gom ngay sau khi tàu đến cảng, sau đó thực hiện 02 ngày một lần đối với tàu hàng, 01 ngày một lần đối với tàu khách;

b) Nước bẩn, cặn bẩn, dầu hoặc hợp chất có dầu và các loại chất độc hại khác phải được chứa vào két riêng và chuyển lên thiết bị thu gom trên bờ theo quy định.

3. Doanh nghiệp cảng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ vệ sinh tàu thuyền tại cảng có trách nhiệm:

a. Bố trí phương tiện đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận rác thải, nước bẩn từ tàu thuyền và phải tuân thủ quy định về vệ sinh và bảo vệ môi trường.

b. Thực hiện trách nhiệm kê khai, niêm yết giá dịch vụ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển.

 

Điều 43. An ninh hàng hải

Tàu thuyền và doanh nghiệp cảng biển phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (ISPS Code) và các quy định có liên quan của pháp luật.

Cấp độ an ninh cảng biển được thông báo bằng văn bản gửi Cảng vụ.

 

Mục 8

TÌM KIẾM CỨU NẠN VÀ XỬ LÝ TAI NẠN HÀNG HẢI

Điều 44. Tìm kiếm cứu nạn hàng hải

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động hàng hải trong vùng nước cảng biển phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định về tìm kiếm cứu nạn theo quy định tại Điều 107 của Nghị định 58/2017/NĐ - CP  và các quy định có liên quan khác của pháp luật, và các yêu cầu sau đây:

a. Tổ chức, cá nhân hoạt động hàng hải phải chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của Giám đốc Cảng vụ về tham gia tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển.

b. Nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc trên tàu hoặc các trang thiết bị, vật dụng khác để phát tín hiệu báo nạn giả. Trường hợp do sơ suất trong khi sử dụng các trang thiết bị phát tín hiệu cấp cứu như phao EPIRB, MF/HF, VHF  ..., thuyền trưởng phải thông báo ngay cho Cảng vụ, đồng thời áp dụng biện pháp phù hợp để thông báo huỷ bỏ các tín hiệu cấp cứu đã phát trước đó.

Điều 45. Xử lý tai nạn hàng hải

Khi xảy ra tai nạn hoặc sự cố hàng hải trong vùng nước cảng biển, thuyền trưởng, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm:

1. Áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và tổ chức công tác tìm kiếm, cứu nạn nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.

2.  Thông báo ngay cho Cảng vụ hoặc Trực ban Cảng vụ, đồng thời phải tiến hành ngay các biện pháp để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra và hỗ trợ tàu bị nạn nếu không ảnh hưởng đến an toàn của tàu mình.

3. Gửi cho Cảng vụ báo cáo tai nạn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

 

Mục 9

PHÒNG, CHỐNG CHÁY, NỔ VÀ PHÒNG NGỪA,  ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Điều 46. Phòng chống cháy, nổ

1. Thuyền trưởng, doanh nghiệp liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định về phòng chống cháy, nổ tại cảng biển theo quy định tại các Điều 113, 114, 115 của Nghị định 58/2017/NĐ - CP  và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tàu thuyền chỉ được tiến hành sửa chữa máy chính hoặc tiến hành các công việc có phát ra tia lửa tại cảng biển sau khi được Cảng vụ chấp thuận.

3. Tàu thuyền chở dầu mỏ hoặc các chế phẩm từ dầu mỏ chỉ được vào làm hàng tại các bến cảng chuyên dùng theo quy định.

4. Tàu thuyền chỉ được tiến hành chuyển tải xăng dầu hoặc hàng hoá nguy hiểm khác tại khu chuyển tải đã được cơ quan có thẩm quyền quy định và theo chỉ định cụ thể của Giám đốc Cảng vụ. Việc chuyển tải xăng dầu quy định tại Khoản này chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và phòng, chống cháy, nổ theo quy định.

5. Tuỳ từng trường hợp, Giám đốc Cảng vụ quyết định các điều kiện cần thiết liên quan đến việc chuyển tải các loại hàng hoá nguy hiểm khác, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

6. Khi xảy ra sự cố cháy nổ trong phạm vi vùng nước cảng, thuyền trưởng và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện việc ứng cứu kịp thời và thông báo ngay cho Cảng vụ biết, phối hợp xử lý.

 

Điều 47. Phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường

1. Thuyền trưởng, doanh nghiệp liên quan phải thực hiện ngay việc ứng cứu sự cố ô nhiễm môi trường theo yêu cầu của Giám đốc Cảng vụ và cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

2. Việc bơm, xả nước bẩn, cặn dầu, chất thải có dầu và các loại chất độc hại khác từ tàu thuyền bắt buộc đối với tàu thuyền đã lưu lại ở cảng trong khoảng thời gian quá 15 ngày, trừ các tàu đang sửa chữa trong xưởng và các tàu mà máy chính và máy đèn đều không hoạt động.

3. Phương tiện phát sinh chất thải và thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển rác hoặc các chất thải phải đáp ứng các quy tắc về vệ sinh và bảo vệ môi trường được quy định của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Các doanh nghiệp cảng, bến phao có trách nhiệm cung ứng dịch vụ thu gom, bến phao có trách nhiệm cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác khi tàu thuyền hoạt động tại bến cảng, bến phao. Trong trường hợp không thực hiện phải có danh sách các đơn vị thu gom rác.

4. Chất thải nguy hại không được trộn lẫn với chất thải thông thường. Nếu trộn lẫn thì được thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý như chất thải nguy hại.

5. Doanh nghiệp cảng có trách nhiệm gửi Cảng vụ Báo cáo quan trắc môi trường định kỳ (sau khi gửi các cơ quan có thẩm quyền).

 

Mục 10

TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP  HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI

 

Điều 48. Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng

Doanh nghiệp cảng có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 67 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP, các quy định có liên quan của pháp luật và các yêu cầu sau đây:

1. Trước khi tiến hành xây dựng cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao luồng hàng hải, khu nước, vùng nước, chủ đầu tư gửi Cảng vụ bản sao chụp quyết định đầu tư xây dựng công trình, bản sao chụp quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình và bản sao chụp hồ sơ thiết kế để tổ chức kiểm tra, giám sát theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP

2. Sau khi hoàn thành thủ tục và được cấp thẩm quyền công bố mở cảng biển, bến cảng, cầu cảng  hoặc khu nước, vùng nước, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Cảng vụ các giấy tờ liên quan theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP và hồ sơ hoàn công (tập bản vẽ) để tổ chức quản lý theo quy định.

3. Định kỳ trước ngày 31 tháng 3 hàng năm, báo cáo Cảng vụ về điều kiện khai thác cảng (điều kiện khí tượng, thủy văn và các yêu cầu hạn chế khác) và công bố cho chủ tàu, các bên liên quan biết.

4. Chậm nhất 16.00 giờ hàng ngày, doanh nghiệp cảng phải thông báo bằng văn bản (fax hoặc gửi trực tiếp) cho Cảng vụ biết kế hoạch điều động tàu thuyền của ngày hôm sau; trường hợp đột xuất hoặc có thay đổi phải thông báo kịp thời bằng văn bản (fax hoặc gửi trực tiếp) hoặc bằng điện thoại, VHF để Cảng vụ xử lý.

5. Thông báo cho thuyền trưởng, đại lý tàu về thông số kỹ thuật của cầu cảng và các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình cập rời cầu ngay khi đồng ý tiếp nhận tàu thuyền vào bến cảng, bến phao.

6. Trong thời gian điều động tàu cập, rời cầu cảng và trong thời gian không có tàu cập cầu, các cần cẩu bờ không được đưa ra vùng nước trước cầu cảng. Trường hợp cần cẩu phải đưa ra ngoài do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, doanh nghiệp cảng phải thông báo bằng văn bản và chỉ tiến hành khi được Cảng vụ chấp thuận; đồng thời, phải áp dụng biện pháp thích hợp nhằm bảo đảm an toàn theo quy định.

7. Đối với các tàu phải áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ theo Phương án đảm bảo an toàn khi ra, vào cầu cảng, bến phao, doanh nghiệp cảng có trách nhiệm thông báo cho thuyền trưởng, đại lý các biện pháp hỗ trợ bổ sung ngay khi đồng ý tiếp nhận tàu.

8. Thực hiện trách nhiệm kê khai, niêm yết giá dịch vụ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải và dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo tãi cảng biển Việt Nam.

Điều 49. Trách nhiệm của đại lý tàu biển

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển tại cảng biển phải tuân thủ quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển và các yêu cầu sau:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu và đề nghị thuyền trưởng nghiên cứu, chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy cảng biển; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Cảng vụ và quy định pháp luật.

2. Chủ động liên hệ với Cảng vụ và cơ quan chức năng để được cung cấp các thông tin liên quan về điều kiện hành hải, khí tượng, thủy văn, địa chất tại vùng nước cảng biển và các khuyến cáo về an toàn đối với thuyền trưởng.

3. Chỉ được thực hiện chức năng dịch vụ đại lý tàu biển trong phạm vi công việc được chủ tàu ủy thác, phù hợp với điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và quy định liên quan khác của pháp luật.

4. Khi bố trí mới, thuyên chuyển hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đại lý viên, doanh nghiệp chủ quản phải thông báo bằng văn bản cho Cảng vụ và các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng.

5. Thực hiện báo cáo, cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cảng vụ và các cơ quan chức năng.

6. Thực hiện trách nhiệm kê khai, niêm yết giá dịch vụ theo quy định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh lai dắt tàu biển, kinh doanh đại lý tàu biển tại Việt Nam.

 

Mục 11 

KHAI THÁC CẢNG BIỂN, LUỒNG  VÀ BÁO HIỆU HÀNG HẢI

 

Điều 50. Giám sát xây dựng cảng biển, công trình khác

Định kỳ hàng tháng, chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị thực hiện phương án bảo đảm an toàn hàng hải phải báo cáo Cảng vụ tiến độ thi công, công tác giám sát thi công của chủ đầu tư, công tác triển khai phương án bảo đảm an toàn hàng hải và các nội dung cần thiết khác theo yêu cầu trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng.

Điều 51. Quản lý hoạt động báo hiệu

Tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành báo hiệu có trách nhiệm:

1. Bảo đảm các báo hiệu thuộc trách nhiệm quản lý, vận hành đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định và phù hợp với nội dung của thông báo hàng hải đã công bố.

2. Khi báo hiệu bị hư hỏng, mất hoặc sai lệch vị trí phải khẩn trương tiến hành sửa chữa, khắc phục kịp thời.

3. Kịp thời thông báo cho Cảng vụ biết:

- Khi phát hiện có chướng ngại vật trên luồng; báo hiệu bị hư hỏng, mất hoặc sai lệch vị trí.

- Trước và sau khi sửa chữa, khắc phục hư hỏng, mất hoặc sai lệch vị trí các báo hiệu.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 52. Trách nhiệm thực hiện

Tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài khi hoạt động tại cảng biển có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và Nội quy này.

Điều 53. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Phòng Pháp chế, Phòng Thanh tra và An toàn hàng hải, Trực ban Cảng vụ, Tổ chức hành chính, Tài vụ, Đại diện Vũng Rô có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Nội quy này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh với Cảng vụ để sửa đổi Nội quy này.

Điều 54. Ban hành kèm theo Nội quy này Danh mục các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hàng hải. Giám đốc Cảng vụ định kỳ cập nhật Danh mục này.

 

  • Bản quyền thuộc về Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn - Địa chỉ: Số 01 Đường Phan Chu Trinh, Phường Hải Cảng, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
  • Đề nghị không xuất bản lại nội dung trên cangvuhanghaiquynhon.gov.vn