In trang này

Quy chế quản lý hoạt động của Hệ thống Giám sát và Điều phối giao thông hàng hải Quy Nhơn

Thứ Tư, 18/09/2019, 16:55 GMT+7

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

                  CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM

     CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:   1406 /QĐ-CHHVN

Hà Nội, ngày  12    tháng  9   năm 2019

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy chế quản lý hoạt động của Hệ thống giám sát

và Điều phối giao thông hàng hải Quy Nhơn

CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM

Căn cứ Quyết định số 2818/QĐ-BGTVT ngày 02/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng hải Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;

Căn cứ Thông tư số 31/2016/TT-BGTVT ngày 31/10/2016 của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ Hàng hải;

Xét đề nghị của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tại Tờ trình số 511/CVHHQNh-PC ngày 12/7/2019  về việc Thông báo đưa vào khai thác, sử dụng và ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải Quy Nhơn;  

Theo đề nghị của Trưởng phòng Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý hoạt động của Hệ thống Giám sát và Điều phối giao thông hàng hải Quy Nhơn”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 9 năm 2019.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy  Nhơn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Trưởng các Phòng liên quan của Cục Hàng hải Việt Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, Giám đốc Trung tâm PHTKCN hàng hải khu vực II, Giám đốc Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoa tiêu khu vực VII  và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Như điều 3;

- Các Phó Cục trưởng;

- Các phòng tham mưu;

- Các đơn vị trực thuộc;

- Công ty bảo đảm ATHH Nam Trung bộ;

- Cty TNHH MTV TTĐTHHVN;

- Lưu VT, PC (5b).

 CỤC TRƯỞNG

Đã ký

 

 

 

 

 

Nguyễn Xuân Sang

 

QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG

 GIÁM SÁT VÀ ĐIỀU PHỐI GIAO THÔNG HÀNG HẢI QUY NHƠN

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1406./QĐ-CHHVN

ngày 12 tháng 9 năm 2019 của Cục Hàng hải Việt Nam)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế  này quy định về quản lý hoạt động của hệ thống Giám sát và Điều phối giao thông Hàng hải Quy Nhơn (sau đây gọi tắt là Hệ thống VTS Quy Nhơn), bao gồm các quy định về: quản lý, vận hành, khai thác, duy tu và bảo dưỡng Hệ thống VTS Quy Nhơn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

  1. Quy chế này áp dụng đối với các đối tượng dưới đây:

a) Tàu thuyền Việt Nam có trang bị AIS và VHF theo quy định, tàu thuyền nước ngoài, trừ đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều này, trong vùng hoạt động của Hệ thống VTS Quy Nhơn;

b) Tổ chức cá nhân có liên quan đến quản lý, vận hành, khai thác, duy tu và bảo dưỡng Hệ thống VTS Quy Nhơn.

2. Tàu cá Việt Nam, tàu công vụ và tàu quân sự đang làm nhiệm vụ không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chế này.

3. Tàu thuyền không thuộc đối tượng tại Điểm a Khoản 1 Điều này, khi hoạt động hoặc di chuyển qua vùng vùng hoạt động của Hệ thống VTS Quy Nhơn có thể liên lạc với Hệ thống VTS Quy Nhơn để được chỉ dẫn hàng hải cần thiết.

Điều 3. Chức năng của Hệ thống VTS Quy Nhơn

Hệ thống VTS Quy Nhơn có các chức năng như sau:

  1. Cung cấp thông tin và đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo, điều phối, hướng dẫn hành hải cho tàu thuyền trong Vùng VTS Quy Nhơn nhằm:
  1. Tăng cường an toàn hàng hải, an ninh hàng hải trong khu vực;
  2. Nâng cao hiệu quả chạy tàu;
  3. Góp phần phòng ngừa ô nhiễm môi trường và phòng chống cháy nổ;
  4. Góp phần bảo vệ các công trình hàng hải trong khu vực;

đ) Hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu nạn trong vùng nước cảng biển và vùng biển trong Vùng VTS Quy Nhơn;

  1. Phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm hành chính của tàu thuyền trong Vùng VTS Quy Nhơn.
    1. Lưu trữ thông tin, làm dữ liệu tham khảo, chứng minh trong công tác điều tra tai nạn hàng hải, xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 4. Vùng hoạt động Hệ thống VTS Quy Nhơn

1. Vùng hoạt động của Hệ thống VTS Quy Nhơn (sau đây gọi tắt là Vùng VTS Quy Nhơn) có ranh giới được xác định theo hệ tọa độ VN-2000, như sau:

a) Ranh giới về phía biển: được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối các điểm QN1, QN2 và QN3, QN4 có toạ độ sau đây:

QN1: 13045’16” N, 109017’08” E ;

QN2: 13041’10” N, 109017’08” E);

QN3: 13041’10” N, 109014’59” E ;

QN4: 13041’19” N, 109013’51” E;

b) Ranh giới về phía đất liền: được giới hạn từ điểm QN4 chạy dọc theo bờ biển về phía Bắc đến điểm QN5 có tọa độ: 13048’16” N, 109013’35” E, nối tiếp đến điểm QN6 có tọa độ: 13048’40” N, 109015’05” E và chạy dọc theo bờ biển bán đảo Phước Mai đến điểm QN1 .

 2. Bình đồ chi tiết vùng VTS Quy Nhơn tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2  kèm theo Quy chế này.

Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước của Hệ thống VTS Quy Nhơn .

1.  Cơ quan quản lý Hệ thống VTS Quy Nhơn: Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn.

2. Trung tâm điều hành Hệ thống VTS Quy Nhơn (Sau đây gọi tắt là Trung tâm VTS Quy Nhơn) đặt tại Trụ sở Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn.

Địa chỉ : 1 Phan Chu Trinh, thành phố Quy Nhơn.

Tên gọi: Trung tâm VTS Quy Nhơn.

Số điện thoại: 0256 3891809

Số fax:          0256 3893106

Email: vtsquynhon@vinamarine.gov.vn, vtsquynhon@gmail.com

Điều 6. Quản lý vận hành, khai thác, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa Hệ thống VTS Quy Nhơn.

           Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn có trách nhiệm:

           1. Bố trí đầy đủ nhân sự quản lý vận hành, khai thác, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa Hệ thống VTS Quy Nhơn, bảo đảm chế độ trực 24/24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần.

           2. Lập quy trình, kế hoạch bảo trì và tổ chức thực hiện bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa Hệ thống VTS Quy Nhơn thseo quy định của pháp luật và theo khuyến cáo của nhà sản xuất thiết bị, bảo đảm Hệ thống luôn hoạt động hiệu quả, an toàn.

 

Chương II

THÔNG TIN LIÊN LẠC

 

Điều 7. Chế độ thông tin liên lạc

Tàu thuyền quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quy chế này hoạt động trong Vùng VTS Quy Nhơn phải duy trì trực VHF liên tục 24/24 và liên lạc với Trung tâm VTS Quy Nhơn thông qua các kênh liên lạc sau:

a) Kênh VHF trực chung: Kênh 16;

b) Kênh VHF làm việc: Kênh 12;

c) Trường hợp khẩn cấp hoặc sự cố, kênh liên lạc do Trung tâm VTS Quy Nhơn chỉ định.

Điều 8. Ngôn ngữ và thời gian liên lạc trên VHF

  1. Ngôn ngữ liên lạc trên VHF

        a) Tiếng Anh đối với tàu thuyền nước ngoài. Trường hợp thuyền trưởng hoặc người được chỉ định liên lạc là người Việt Nam thì ngôn ngữ liên lạc là tiếng Việt;

b) Tiếng Việt đối với tàu thuyền Việt Nam. Trường hợp thuyền trưởng là người nước ngoài thì ngôn ngữ liên lạc là tiếng Anh.

  1. Thời gian quy định là GMT +7 và theo hệ thống 24 giờ.

Điều 9. Sử dụng phương tiện thông tin liên lạc.

  1. Tàu thuyền hoạt động trong Vùng VTS Quy Nhơn liên lạc với Trung tâm VTS Quy Nhơn bằng VHF qua các kênh được quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
  2. Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân có thể tiến hành thông tin liên lạc với Trung tâm VTS Quy Nhơn qua địa chỉ, điện thoại, fax và email quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
  3. Trường hợp cần thiết, tàu thuyền có thể liên lạc với Trung tâm VTS Quy Nhơn thông qua Đài thông tin duyên hải hoặc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn.
  4. Tàu thuyền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này cũng có thể liên lạc với Trung tâm VTS Quy Nhơn để nhận khuyến cáo, hướng dẫn hoặc cung cấp thông tin.

Điều 10. Cung cấp thông tin cho tàu thuyền.

Trung tâm VTS Quy Nhơn có trách nhiệm cung cấp thông tin dưới đây cho tàu thuyền khi có yêu cầu:

1. Kế hoạch điều động tàu của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn;

2. Kế hoạch hoa tiêu;

3. Thông tin cầu cảng, bến cảng, tuyến và cảng đến/vị trí neo/phao neo buộc tàu liên quan;

4. Mật độ giao thông hàng hải;

5. Điều kiện khí tượng thủy văn (nếu có);

6. Tình trạng khu vực tàu hoạt động, khu vực tàu sẽ hành trình đến;

7. Đặc điểm, độ sâu, chiều cao tĩnh không khu vực tàu hoạt động;

8. Khu vực thi công, công trình giao cắt tuyến luồng;

9. Thông tin liên quan đến tuyến luồng hàng hải, khu neo đậu, chuyển tải, khu vực giới hạn tốc độ, các nút giao thông quan trọng;

10. Các hỗ trợ tiếp nhận/ truyền phát thông tin khác.

    Điều 11. Vị trí báo cáo.

Tàu thuyền khi đến các vị trí dưới đây có trách nhiệm báo cáo cho Trung tâm VTS Quy Nhơn nội dung theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.

  1. Vị trí báo cáo 1: khi tàu thuyền bắt đầu vào vùng hoạt động của VTS Quy Nhơn hoặc khi tàu thuyền bắt đầu rời khỏi vùng hoạt động của VTS Quy Nhơn.
  2. Vị trí báo cáo 2:
    1. Đối với tàu thuyền quy định phải có hoa tiêu dẫn tàu: là vùng đón trả hoa tiêu Luồng Hàng hải Quy Nhơn;
    2. Đối với tàu thuyền không sử dụng hoa tiêu: là vị trí nhập Luồng Hàng hải Quy Nhơn.
  3. Vị trí báo cáo 3: Tại các vị trí cầu bến cảng, khu neo đậu, chuyển tải, hoặc khu vực hoạt động khác mà tàu điều động đến, rời.

Điều 12. Chế độ và nội dung báo cáo của tàu thuyền

Tàu thuyền đến, rời và hoạt động trong Vùng VTS Quy Nhơn có trách nhiệm báo cáo Trung tâm VTS Quy Nhơn các nội dung dưới đây:

  1. Tàu thuyền đến cảng:

a) Khi tàu thuyền đến vị trí báo cáo 1, Thuyền trưởng báo cáo những nội dung dưới đây:

- Tên tàu (hoặc hô hiệu);

- Mớn nước thực tế;

- Vị trí dự kiến đến;

- Các thông tin liên quan an toàn hàng hải, an ninh hàng hải (nếu có).

b) Khi tàu thuyền đến vị trí báo cáo 2, Thuyền trưởng/Hoa tiêu phải báo cáo những nội dung dưới đây:

-    Tên tàu (hoặc hô hiệu);

-    Tốc độ, hướng hành trình;

-    Các thông tin liên quan an toàn hàng hải, an ninh hàng hải (nếu có);

-   Vị trí, thời gian tiếp nhận hoa tiêu (nếu có);

        -   Tên hoa tiêu/số hiệu hoa tiêu (nếu có).

c) Khi tàu thuyền đến vị trí báo cáo 3, Thuyền trưởng/Hoa tiêu phải báo cáo những nội dung dưới đây:

  • Tên tàu;
  • Thông tin về tàu lai hỗ trợ (nếu có);
  • Thời gian hoàn tất việc cập cầu, neo, buộc phao;
  • Vị trí neo, số phao buộc, tên (số) cầu cảng;
  • Thời gian hoa tiêu rời tàu (nếu có).
  1. Tàu thuyền rời cầu cảng, khu neo đậu và hoạt động trong Vùng VTS Quy Nhơn:

a) Trước khi điều động tàu thuyền rời cầu cảng, khu neo đậu, Thuyền trưởng/Hoa tiêu phải báo cáo những nội dung dưới đây:

- Tên tàu (hoặc hô hiệu);

- Mớn nước thực tế;

- Thời gian dự kiến điều động (ETD);

- Vị trí đến kế tiếp;

- Các thông tin liên quan an toàn hàng hải, an ninh hàng hải (nếu có);

- Thời gian tiếp nhận hoa tiêu (nếu có);

- Tên hoa tiêu - số hiệu hoa tiêu (nếu có);

- Thông tin tàu lai hỗ trợ (nếu có);

- Kênh VHF làm việc;

- Thông tin điều động (vị trí quay trở; dự định tàu cập mạn nào,..).

        b) Khi tàu thuyền hoàn tất quá trình điều động nhưng vẫn nằm trong Vùng VTS Quy Nhơn, Thuyền trưởng/Hoa tiêu phải báo cáo những nội dung dưới đây:

- Tên tàu (hoặc hô hiệu);

- Vị trí hiện tại của tàu;

- Các thông tin về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải (nếu có);

- Thông tin về tàu lai hỗ trợ, kênh VHF làm việc với tàu lai (nếu có).

- Thời gian hoa tiêu rời tàu (nếu có).

3. Tàu thuyền rời Vùng VTS Quy Nhơn:

Khi tàu thuyền rời khỏi Vùng VTS Quy Nhơn, Thuyền trưởng/Hoa tiêu phải báo cáo các nội dung sau:

- Tên tàu (hoặc hô hiệu);

- Thời gian tàu rời Vùng VTS Quy Nhơn;

  - Thời gian hoa tiêu rời tàu (nếu có).

Điều 13. Báo cáo sự cố, tai nạn hàng hải và thông báo phát hiện tình huống nguy cấp

1. Khi tàu thuyền xảy ra sự cố, tai nạn hàng hải, Thuyền trưởng/Hoa tiêu dẫn tàu có trách nhiệm báo cáo ngay cho Trung tâm VTS Quy Nhơn các thông tin dưới đây: 

a) Tên tàu, vị trí, thời gian xảy ra tai nạn, sự cố;

b) Tổn thất về người (nếu có), tổn thất về tài sản của tàu;

c) Tổn thất về môi trường (ô nhiễm môi trường, hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường);

d) Tình trạng kỹ thuật của tàu: Thân vỏ, máy chính, máy lái, thiết bị điều khiển, neo;

đ) Điều kiện khí tượng thủy văn nơi xảy ra tai nạn, sự cố hàng hải: Sóng gió, dòng chảy, tầm nhìn xa;

e) Mật độ phương tiện tham gia hành hải nơi xảy ra tai nạn, sự cố;

g) Các yêu cầu trợ giúp tìm kiếm cứu nạn, lai dắt, trợ giúp y tế và các yêu cầu trợ giúp cần thiết khác.

2. Thuyền trưởng/Hoa tiêu dẫn tàu thông báo kịp thời cho Trung tâm VTS Quy Nhơn khi phát hiện các tình huống nguy cấp dưới đây:

  1. Tầm nhìn xa giảm và các điều kiện thời tiết bất lợi khác;
  2. Sự cố hư hỏng hay sai khác của báo hiệu hàng hải;
  3. Mật độ tàu thuyền ảnh hưởng đến việc điều động tàu;
  4. Tai nạn đâm va, sự cố ô nhiễm môi trường và các tình huống nguy cấp khác.

Điều 14. Quy định đối với các phương tiện tham gia hoạt động thi công nạo vét trong khu vực vùng nước cảng biển Quy Nhơn

1. Khi tàu thuyền tham gia hoạt động thi công công trình, nạo vét, khảo sát, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học và các hoạt động đặc thù khác trong vùng VTS Quy Nhơn phải thực hiện các yêu cầu dưới đây:

a) Tổ chức trực kênh VHF theo quy định;

b) Duy trì chế độ hoạt động của thiết bị nhận dạng AIS;

c) Báo cáo vị trí trong thời gian hoạt động nạo vét tại hiện trường thi công.

2. Phương tiện vận chuyển, đổ chất nạo vét duy trì báo cáo vị trí, thời gian rời hiện trường thi công, đến và rời điểm đổ thải.

Điều 15. Thay đổ kênh liên lạc và chuyển tiếp thông tin

Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm VTS Quy Nhơn có quyền yêu cầu các tàu thuyền thực hiện một số công việc sau:

1. Chuyển kênh/tần số của VHF khi việc thông tin liên lạc trên kênh/ tần số đã quy định không có hiệu quả;

2. Chuyển tiếp các thông tin, báo cáo về hành hải, thông tin nguy cấp khi cần.

 

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA THUYỂN TRƯỞNG

VÀ HOA TIÊU DẪN TÀU

 

Điều 16. Trách nhiệm của Thuyền trưởng

1. Phải bảo đảm việc trực canh VHF trên kênh đã được chỉ định tại Điều 7 Quy chế này khi tàu thuyền hành trình hoặc chuẩn bị hành trình trong Vùng VTS Quy Nhơn.

2. Trực tiếp hoặc yêu cầu hoa tiêu thường xuyên duy trì liên lạc và báo cáo đầy đủ thông tin tại các vị trí báo cáo theo quy định tại Quy chế này.

3. Báo cáo đầy đủ, kịp thời sự cố, tai nạn hàng hải và thông báo các tình huống nguy cấp khác quy định tại Điều 13 Quy chế này cho Trung tâm VTS Quy Nhơn.

Điều 17. Trách nhiệm của Hoa tiêu dẫn tàu

1. Thông báo kịp thời cho Trung tâm VTS Quy Nhơn thời điểm lên tàu, thời điểm bắt đầu, kết thúc việc dẫn tàu và các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

2. Sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm VTS Quy Nhơn, hoa tiêu có trách nhiệm truyền đạt toàn bộ nội dung đã tiếp nhận cho thuyền trưởng.

3. Thực hiện chế độ báo cáo Trung tâm VTS Quy Nhơn tại các vị trí báo cáo theo quy định khi có yêu cầu từ thuyền trưởng.

4. Thông báo kênh VHF làm việc và tàu lai (nếu có) khi tàu sắp đến vị trí neo đậu hoặc cập cầu cảng, bến phao.

5. Báo cáo đầy đủ, kịp thời sự cố, tai nạn hàng hải và thông báo các tình huống nguy cấp khác quy định tại Điều 13 Quy chế này cho Trung tâm VTS Quy Nhơn.

 

Chương IV

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA GIÁM SÁT VIÊN

VÀ ĐIỀU HÀNH VIÊN

 

Điều 18. Giám sát viên và Điều hành viên

Giám sát viên (trưởng ca) và Điều hành viên là người trực tiếp vận hành, khai thác Hệ thống VTS Quy Nhơn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi trực ca, Giám sát viên và Điều hành viên có trách nhiệm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quy chế này, các quy định khác có liên quan của pháp luật; có thái độ, lời nói, hành vi ứng xử đúng mực, rõ ràng, văn minh.

Điều 19. Chức năng, nhiệm vụ của Giám sát viên (trưởng ca)

1. Là người chỉ huy, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động trong ca trực.

2. Trực tiếp điều phối công việc trong ca trực; phân công công việc cụ thể cho Điều hành viên.

3. Giám sát, đôn đốc, nhắc nhở Điều hành viên trong ca trực thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ trong cung cấp, xử lý thông tin và điều phối, hướng dẫn tàu thuyền.

4. Trực tiếp điều phối hoặc chỉ đạo Điều hành viên điều phối tàu thuyền khi có sự cố, tai nạn hàng hải hoặc tình huống nguy cấp trong Vùng VTS Quy Nhơn.

5. Báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo phụ trách khi phát sinh các sự cố, những tình huống vượt quá thẩm quyền xử lý.

Điều 20. Chức năng, nhiệm vụ của Điều hành viên

  1. Trước khi tàu thuyền vào Vùng VTS Quy Nhơn:
  1. Thu thập thông tin từ tàu thuyền;
  2. Thông báo cho phép tàu thuyền hành trình hoặc tạm hoãn hành trình theo kế hoạch điều động của Cảng vụ Hàng hải;
  3. Cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 10 Quy chế này khi có yêu cầu;
  4. Khuyến cáo các quy định liên quan (quy định tàu lai, tàu một chiều...);

  đ) Cập nhật dữ liệu về tàu thuyền.

  1. Khi tàu thuyền hành trình trong Vùng VTS Quy Nhơn:

           a) Thu thập thông tin từ tàu thuyền, hoa tiêu (nếu có);

           b) Cung cấp thông tin hỗ trợ tàu thuyền hành trình và đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo khi cần thiết (mật độ tàu thuyền, tốc độ quy định...);

  1. Trước khi tàu thuyền chuẩn bị điều động rời cầu, phao, vị trí neo:
  1. Thu thập thông tin về tàu thuyền;
  2. Thông báo cho phép tàu thuyền hành trình hoặc tạm hoãn hành trình;
  3. Cung cấp thông tin quy định tại Điều 10 Quy chế này khi có yêu cầu.
  1. Khi tàu thuyền hoàn tất quá trình điều động:
  1. Thu thập thông tin về tàu thuyền, thời gian hoàn tất điều động;
  2. Cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 10 Quy chế này khi có yêu cầu.
  1. Theo dõi, giám sát hành trình của tàu thuyền hoạt động trong Vùng VTS Quy Nhơn.
  2. Đưa ra các hướng dẫn, khuyến cáo thích hợp, hỗ trợ tàu thuyền hoạt động an toàn trong Vùng VTS Quy Nhơn.

7. Phát hiện, ngăn ngừa hành vi vi phạm hành chính của tàu thuyền hoạt động trong Vùng VTS Quy Nhơn. Thu thập bằng chứng, chuyển đơn vị chức năng liên quan để xử lý theo quy định.

8. Báo cáo kịp thời Giám sát viên (Trưởng ca) khi phát hiện hoặc nhận được báo cáo, thông báo về sự cố, tai nạn hàng hải hoặc các tình huống nguy cấp khác; hướng dẫn, điều phối tàu thuyền theo chỉ đạo của Giám sát viên.

9. Thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Giám sát viên (Trưởng ca).

Điều 21. Chế độ trực ca, giao ban.

1. Trực ca Hệ thống VTS Quy Nhơn thực hiện theo chế độ 24/24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần. Điều hành viên có trách nhiệm ghi vào Sổ Trực ca VTS đầy đủ, kịp thời thông tin trong ca trực theo quy định của Quy chế này và mọi biến động trong ca trực như: sự cố, tai nạn, tình huống khẩn nguy, những thay đổi so với kế hoạch điều động tàu thuyền đã được phê duyệt; thay đổi đột xuất hoa tiêu, tàu lai.

2. Khi kết thúc ca trực, người trực ca VTS có trách nhiệm bàn giao công việc và những vấn đề đang xử lý cho người nhận ca kế tiếp.

3. Việc bàn giao phải được ký nhận vào Sổ Trực ca VTS của Trung tâm VTS Quy Nhơn.

 

Chương V

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VTS QUY NHƠN

 VỚI CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN

 

Điều 22. Nguyên tắc phối hợp

Việc phối hợp giữa Trung tâm VTS Quy Nhơn với Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam, Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II và Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn là quan hệ phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng đơn vị theo quy định pháp luật, Trong đó tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong Vùng VTS Quy Nhơn.

Điều 23. Phối hợp giữa Trung tâm VTS với Tổ chức hoa tiêu

  1. Chậm nhất vào 16 giờ 00 hàng ngày, Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải KV VII có trách nhiệm gửi Kế hoạch bố trí hoa tiêu dẫn tàu ngày hôm sau bằng văn bản (fax) hoặc thư điện tử cho Trung tâm VTS Quy Nhơn. Nội dung kế hoạch gồm: tên tàu, cầu cảng, địa điểm neo đậu khi tàu đến, rời, thời gian dự kiến hoa tiêu lên tàu, tên hoa tiêu dẫn tàu. Trong trường hợp có thay đổi kế hoạch điều động hoặc có kế hoạch tàu điều động đột xuất, tổ chức hoa tiêu có trách nhiệm thông báo trực tiếp cho Trung tâm VTS Quy Nhơn.
  2. Trung tâm VTS Quy Nhơn có trách nhiệm thông báo cho Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải KV VII các trường hợp hoa tiêu dẫn tàu không tuân thủ quy chế và quy định liên quan khác.
  3. Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải KV VII kịp thời thông báo cho Hoa tiêu dẫn tàu các thông tin cập nhật nhận được từ Trung tâm VTS Quy Nhơn.

Điều 24. Phối hợp giữa Trung tâm VTS Quy Nhơn với Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam

1. Trung tâm VTS và Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung bộ thuộc Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam có trách nhiệm phối hợp và thông báo kịp thời về sự thay đổi vị trí, đặc tính của báo hiệu hàng hải và thông tin liên quan đến tuyến luồng do Tổng công ty quản lý vận hành.

2. Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam có trách nhiệm cung cấp kịp thời cho Trung tâm VTS Quy Nhơn các Thông báo hàng hải, Hải đồ, Bình đồ luồng khu vực cảng biển Quy Nhơn đã được cập nhật.

Điều 25. Phối hợp giữa Trung tâm VTS Quy Nhơn với Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II - Danang MRCC.

Trường hợp nhận được thông tin về sự cố, tai nạn hàng hải, Trung tâm VTS Quy Nhơn và Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II - Danang MRCC phối hợp, trao đổi thông tin để triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

Điều 26. Phối hợp giữa Trung tâm VTS Quy Nhơn với Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn

Trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn hàng hải, Trung tâm VTS Quy Nhơn và Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn phối hợp để xác minh, cung cấp thông tin, tổ chức thông báo, truyền phát thông tin cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực biết theo quy định.

 

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Tổ chức thực hiện

1. Tổ chức, cá nhân và các tàu thuyền quy định tại Điều 2 của Quy chế này khi hoạt động trong Vùng VTS Quy Nhơn có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

2. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, thực hiện Quy chế này./.

 

 

 

 

  • Bản quyền thuộc về Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn - Địa chỉ: Số 01 Đường Phan Chu Trinh, Phường Hải Cảng, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
  • Đề nghị không xuất bản lại nội dung trên cangvuhanghaiquynhon.gov.vn